Contents
Bài thơ Chiều Tối (mộ) là bài thơ được rút ra từ tập Ngục trung nhật kí (Nhật kí trong tù) , là tác phẩm tiêu biểu được Bác Hồ viết trong thời gian Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt tại Quảng Tây (Trung Quốc), từ mùa thu năm 1942 đến mùa thu 1943. Bài thơ là biểu hiện của một tấm lòng yêu thiên nhiên, con người tha thiết, mãnh liệt của người chiến sĩ cách mạng Hồ Chí Minh.

1.Lập dàn ý chi tiết phân tích bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh.
1.1.Mở bài: giới thiệu sơ lược về tác giả, tác phẩm Chiều Tối và nêu cảm nhận chung về bài thơ.
-Tác Giả Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh (19/05/1889 – 02/09/1969) không chỉ được biết đến là một danh nhân văn hóa thế giới, một nhà tư tưởng, chính trị gia lỗi lạc mà còn là một nhà văn, nhà thơ kiệt xuất của dân tộc Việt Nam.
-Bài thơ Chiều Tối:
Sau khi bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam 8/1942 – 9/1943 Bác đã sáng tác 134 bài thơ bằng chữ Hán, đặt tên là “Ngục trung nhật kí” (Nhật kí trong tù) . Bài thơ Chiều Tối là bài thơ thứ 31, trích “Nhật ký trong tù” Hồ Chí Minh.
+ Sáng tác vào cuối mùa thu năm 1942, trên đường Hồ Chí Minh bị chuyển lao từ Tĩnh Tây đến Thiên Bảo.
=>Bài thơ là bức tranh thiên nhiên, cảnh vật của miền sơn cước được Bác Hồ miêu tả qua lăng kính tâm hồn con người sau ngày dài bị chuyển lao mệt mỏi. Thể hiện tinh thần lạc quan, tâm hồn yêu nước sâu sắc của Người.
1.2.Thân bài.
-Bố cục bài thơ gồm 2 phần:
+Phần 1 là 2 câu đầu: miêu tả về bức tranh thiên nhiên, cảnh vật của vùng sơn cước.
+ Phần 2 là 2 câu cuối: miêu tả về bức tranh sinh hoạt của con người .
Niềm khao khát, hy vọng về một tương lai tươi sáng của nhà cách mạng yêu nước Nguyễn ái Quốc.
-Phân tích chi tiết:
Phần 1 Hai câu đầu: miêu tả về bức tranh thiên nhiên, cảnh vật của vùng sơn cước.
Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ
Cô vân mạn mạn độ thiên không
Hai câu đầu bài thơ hiện lên một bức tranh thiên nhiên ở miền sơn cước mang màu sắc khá u buồn, cô quạnh.
+Không gian: câu thơ mở ra một không gian vào lúc trời sẩm tối, bầu trời như chao nghiêng cùng cánh chim cuối ngày. Thể hiện một không gian mênh mông cao rộng.
+Thời gian: vào thời khắc cuối ngày khi trời chiều sẩm tối. Vạn vật đều được nghỉ ngơi sau một ngày dài lê thê, mệt mỏi.
+Hình ảnh: “Quyện điểu” là cánh chim đã mệt mỏi rã rời sau một ngày dài vất vả tìm kiếm thức ăn đang tìm về với tổ ấm của mình => không gian , cảnh vật thêm đượm buồn, u uất.
“Cô vân” là hình ảnh một đám mây cô đơn đang lững lờ trôi trên bầu trời cao vút, một cách rất chậm rãi và thảnh thơi=> Hình ảnh mây cũng như tâm hồn của Bác rất ung dung, xem nhẹ việc mình đang bị hành hạ của chốn lao tù.
⇒ Hai câu thơ đầu tiên mở ra một khung cảnh thiên nhiên thật bình dị và gần gũi ở vùng sơn cước hoang sơ .Bức tranh ấy không chỉ gợi lên sự đượm buồn của vùng sơn cước mà còn phảng phất nỗi mệt nhọc trên đường chuyển lao của Hồ Chí Minh, nhưng lại mang phong thái ung dung rất đáng ngưỡng mộ của Người dù trong hoàn cảnh vô cùng gian lao.
Phần 2 là 2 câu cuối: miêu tả về bức tranh sinh hoạt của con người .
Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc
Bao túc ma hoàn, lô dĩ hồng.
+Không gian: xóm nhỏ ở ven núi.
+Thời gian: vận động từ lúc trời sẩm tối tới khi tối hẳn.
+Hình ảnh: Một cô thiếu nữ đang xay ngô- lao động miệt mài, hăng say. Thể hiện sự sống luôn hiện hữu giữa không gian hoang sơ của miền sơn cước.
+Biện pháp điệp vòng + đảo từ “ma bao túc”- “bao túc ma” đã thể hiện sự luân chuyển của thời gian và sự lao động liên hoàn của con người dù trời đã tối.
+Nghệ thuật sử dụng nhãn tự “hồng” xuất hiện ở cuối bài thơ đã làm sáng bừng lên cái đen tối, tĩnh mịch của không gian; sự mệt mỏi của con người và cảnh vật.
Thể hiện sự vận động của thời gian, tâm hồn con người: bóng tối – ánh sáng, nỗi buồn – niềm vui. Đó là niềm vui của sự đoàn viên được quay trở về nhà để khỏi phải chịu sự đọa đày chốn ngục thất.
Hơn thế nữa đó cũng chính là ước mơ, nỗi khát khao và niềm tin mãnh liệt và một ngày mai tươi sáng hơn, rực rỡ hơn của Cách Mạng Việt Nam của tâm hồn nhà cách mạng yêu nước.
=>Hai câu thơ thể hiện sự vận động của thời gian, con người từ bóng tối đến ánh sáng; từ nỗi buồn đến niềm vui và cũng thể hiện những tâm tư, mong mỏi của Bác Hồ vào một tương lai tốt đẹp hơn, tươi sáng hơn cho số phận của và con đường cứu nước của Người.
1.3. Kết bài:
Bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh là một bài thơ rất hay và mang ý nghĩa sâu sắc được viết trong hoàn cảnh Bác bị cầm tù khắc nghiệt. Nhưng bằng một tâm hồn lạc quan, phong thái ung dung và việc sử dụng phối kết hợp các biện pháp nghệ thuật đặc sắc đã tạo nên thành công của tác phẩm. Chắc hẳn chỉ có thể là một tâm hồn yêu thiên nhiên và con người tha thiết, Người mới có thể sáng tạo nên những vần thơ hay đến thế.
Xem thêm: Bài văn thuyết minh về danh lam thắng cảnh
2. Bài văn Phân tích bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh hay nhất.
Hồ Chí Minh (1889 -1969) không chỉ được biết đến là một danh nhân văn hóa thế giới, một nhà tư tưởng tài ba mà còn là một nhà văn, nhà thơ kiệt xuất của dân tộc Việt Nam. Người đã để lại cho kho tàng văn học dân tộc Việt Nam những tác phẩm rất hay, mang ý nghĩa sâu sắc về tình yêu thiên nhiên, yêu nước thiết tha. Một trong những tác phẩm mang nội dung ấy, phải kể đến bài thơ Chiều Tối (là bài thơ thứ 31 ) được rút ra từ tập “Ngục trung nhật kí” (Nhật kí trong tù) sáng tác cuối năm 1942 khi Người đang bị cầm tù ở nhà lao Tưởng Giới Thạch-Trung Quốc.
Bài thơ được chia mỗi phần làm hai câu. Phần thứ nhất là hai câu thơ đầu miêu tả về bức tranh thiên nhiên, cảnh vật của vùng sơn cước xa hôi, phần thứ hai là hai câu cuối với sự miêu tả thật sinh động, ấn tượng về bức tranh sinh hoạt của con người.
“Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ
Cô Vân mạn mạn độ thiên không”
(Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
Chòm mây lơ lửng giữa tầng không)
Hai câu thơ đầu tiên đã phác họa những nét đầu tiên về khung cảnh thiên nhiên của một vùng sơn cước xa xôi, hẻo lánh; mang màu sắc đượm buồn và hiu quạnh. Nhà thơ đã dùng bút pháp lấy động tả tĩnh để mở ra một không gian thật mênh mông, cao rộng của bầu trời. Hình ảnh “Quyện điểu” càng thể hiện nét đượm buồn và mệt mỏi của cánh chim cô đơn, rã rời đôi cánh đang trở về ngôi nhà xanh để nghỉ ngơi. dường như, cánh chim cô đơn ấy đang cố gắng bằng những sức lực cuối cùng để vượt qua cái hùng vĩ của không gian rộng lớn để được trở về với nơi đúng nghĩa nó thuộc về. Đó cũng chính là nét tâm hồn xốn xang của một người đang bị đày đọa ở nơi xứ người. Hồ Chí Minh đã sử dụng bút pháp cổ thi khá quen thuộc và độc đáo trong thơ xưa, Huy Cận trong Tràng Giang cũng đã mượn hình ảnh cánh chim chao nghiêng giữa bầu trời rộng lớn để bộc bạch sự cô đơn, man mác buồn khi xa quê hương:
“Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa.
Lòng quê dợn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.”
Sang đến câu thơ tiếp theo, một lần nữa Bác sử dụng hình ảnh “cô vân”- một đám mây cô đơn, lẻ loi đang lững lờ trôi trên bầu trời cao ngút ngàn để nói lên tiếng lòng của một con người lẻ loi, cô đơn đang chịu cảnh tha phương. Nhưng nhìn đám mây ấy cũng thật ung dung, thảnh thơi như chính phong thái ung dung, bình thản của người chiến sĩ Cách Mạng Nguyễn Ái Quốc từ xưa đến nay vậy. Đối với Bác dù là trong bất cứ hoàn cảnh nào bằng tấm lòng yêu thiên nhiên, cuộc sống thiết tha Bác vẫn giữ cho mình một tâm hồn, chí khí yêu nước, tâm hồn thảnh thơi và yêu đời.
Bằng sự tài ba trong việc sử dụng thể thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật, bút pháp chấm phá cổ thi mà thi nhân đã gợi mở ra trước mắt người đọc một bức tranh thiên nhiên thật bình dị và gần gũi của một miền sơn cước xa xôi. Bức tranh ấy không có sự hiện diện của thiên nhiên, cảnh vật mà còn có cả một con người với nỗi cô đơn, bị xiềng xích gông cùm làm cho bước chân không còn sức lực nữa.
Mạch cảm xúc của bài thơ được tiếp nối từ bức tranh thiên nhiên, cảnh vật tới bức tranh sinh hoạt của con người nơi xóm núi cô quạnh. Giữa không gian mênh mông ấy là bóng tối đang bao trùm dần cảnh vật nhưng Hồ Chí Minh bằng một tâm hồn tinh tế đã nhận ra hình ảnh một cô gái đang miệt mài với công việc xay ngô thật đơn sơ, mộc mạc:
“Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc
Bao túc ma hoàn, lô dĩ hồng”
(Cô em xóm núi xay ngô tối
Xay hết, lò than đã rực hồng)
Đến đây không gian đã được tác giả thu hẹp từ sự cao rộng, hùng vĩ của bầu trời đến một xóm núi nhỏ và có lẽ bây giờ hoàng hôn cũng xuống dần bên kia của ngọn đồi. Câu thơ với hình tượng cô thiếu nữ đang xay ngô là hình ảnh trung tâm, là hình ảnh đẹp của con người đang lao động. hình ảnh ấy dường như đã bao trùm, làm chủ không gian tĩnh mịch ấy, hay đó cũng chính là tâm hồn của Hồ Chí Minh- một tâm hồn thiết tha yêu cuộc sống, luôn hướng lòng mình về nơi có sự sống ấm no. Hai câu thơ được sử dụng biện pháp điệp từ vòng: “bao túc ma- ma bao túc” làm chúng ta liên tưởng đến những vòng quay đều đặn của chiếc cối xay ngô, đó cũng chính là sự luân chuyển của thời gian và sự tiếp nối của sự sống không dứt của ước mơ Hồ Chí Minh. Quả thật đúng như vậy, tác giả Hoài Thanh đã nhận xét về tấm lòng yêu đời của Người ở hai câu thơ cuối : “Một hình ảnh tuyệt đẹp về cuộc đời thiếu thốn, vất vả mà vẫn ấm cúng, đáng quý, đáng yêu. Những hình ảnh như thế không thiếu gì chung quanh ta nhưng thường nó vẫn trôi qua đi. Không có một tấm lòng yêu đời sâu sắc không thể nào ghi lại được”.
Xem thêm: Phân tích cảnh cho chữ trong tác phẩm Chữ Người Tử Tù
Câu thơ thứ tư của bài thơ xuất hiện chữ “hồng” được xem là nhãn tự của bài thơ bởi nó giúp không gian u buồn, tối tăm ấy trở nên tươi sáng và tràn đầy sức sống. Nếu như hình ảnh lò than đỏ đang rực hồng hiểu theo nghĩa đen là hình ảnh lò than đang soi sáng bởi vì lúc này trời đã tối hẳn, mọi thứ xung quanh chìm vào bóng tối. Theo nghĩa bóng đó lại hình ảnh mang ý nghĩa rất sâu sắc, nó sưởi ấm trái tim người tù cộng sản, bừng lên nhân cách cao đẹp của Hồ Chí Minh với ước mơ, khao khát về một tương lai tươi sáng của Cách Mạng Việt Nam.
Hai câu thơ dù ngắn gọn, xúc tích nhưng lại hàm chứa ý nghĩa vô cùng sâu sắc về sự vận động của thời gian, của con người từ bóng tối-ánh sáng và từ nỗi buồn-niềm vui ấm áp. Đó cũng chính là tâm hồn lạc quan, tin tưởng vào sự sống của Người- một con người với tấm lòng vĩ đại dù đang chịu đau đớn nhưng vẫn luôn hướng sự yêu thương về quê hương.
Bài thơ chiều tối ( Mộ) của tác giả Hồ Chí Minh là bài thơ thể hiện tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống, ý chí vượt lên hoàn cảnh khắc nghiệt của nhà thơ chiến sĩ Hồ Chí Minh. Bằng tâm hồn lạc quan, phong thái ung dung và sự phối kết hợp giữa màu sắc cổ điển và hiện đại trong bút pháp của Người đã tạo nên những vần thơ thật sâu sắc. Bài thơ cũng chính là nỗi lòng thương nhớ quê hương, ước mơ mãnh liệt về cuộc sống và cuộc đời tự do của Chủ Tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
Trả lời